Kỹ thuật thi công sai nên gạch AAC “chìm”?

Sau gần 6 năm triển khai đưa vật liệu xây không nung (VLXKN) đi vào cuộc sống đến nay thị trường này đã có bước phát triển tốt. Trong 3 chủng loại của gạch không nung là gạch xi măng cốt liệu (còn gọi gạch block); gạch bê tông khí chưng áp AAC và gạch bê tông bọt thì việc phát triển thị trường gạch bê tông khí chưng áp AAC còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại…

Sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Vật liệu không nung đến năm 2020 và Chỉ thị tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung được triển khai trên toàn quốc, đến nay, việc đầu tư sản xuất VLXKN đạt và vượt chỉ tiêu chương trình đã đề ra.

Nhưng thực tế công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tiêu thụ gạch bê tông khí chưng áp (hay còn gọi là gạch AAC) còn nhiều khó khăn, trở ngại. Độ phủ các đại lý bán gạch AAC trên thị trường ít, thậm chí nếu muốn mua phải đặt tại nhà máy chứ không mua ngay được tại các đại lý bán gạch. Vận chuyển phải chuyên dụng, xếp dời khó, bốc lên bốc xuống dễ vỡ, sứt.

Nhưng theo ông Đỗ Văn Tú – Giám đốc Cty TNHH Xây dựng Thông minh SmartBuild, khó khăn nhất cản trở thị trường gạch AAC phát triển đó chính là kỹ thuật thi công xây dựng không đúng. Đa số thợ xây gạch AAC không được đào tạo kỹ thuật xây, vẫn sử dụng cách xây truyền thống không phù hợp với loại gạch này. Thứ nhất trước khi xây gạch AAC người thợ phải quét sạch bề mạch gạch không để bám bụi bẩn, nếu để bụi bề mặt sẽ khiến vữa bị kéo tụt, giảm độ kết dính. Thứ hai, người thợ xây theo phương pháp truyền thống vẫn quen tay thi công mạch nằm trước, điều chỉnh mạch thẳng đứng sau, trong khi xây loại gạch này cần quan tâm đến mạch vữa đứng trước mạch nằm sau.

Neo tường đóng sai kỹ thuật, nếu đúng phải neo từ trên xuống dưới nhưng nhiều thợ làm từ dưới lên trên. Các dụng cụ gạch AAC cần chuyên dụng chứ không sử dụng dụng cụ thông thường. Nếu cần cắt gọt cần sử dụng máy cắt gọt nhưng đa số cắt bằng tay hoặc dùng tay chặt, dùng cưa không đúng tiêu chuẩn gây nên hiện tượng vỡ gạch. Đặc biệt, gạch AAC cần sử dụng vữa chuyên dụng đạt 2 tiêu chuẩn TCVN và ASTM nhưng một số loại vữa chuyên dụng vẫn sử dụng tiêu chuẩn chịu nén cao nhưng độ kết dính lại kém trong khi gạch AAC xây mạch mỏng cần khả năng kết dính cao chứ không phải độ chịu nén cao.

Phương pháp quấy vữa cũng rất quan trọng, phải đổ nước trước cho vữa sau rồi quấy đều đến khi đủ dẻo là được nhưng thợ thường là đổ vữa trước cho nước sau khiến vữa không đều chỗ khô chỗ nhão.

Là loại vật liệu nhẹ, thân thiện với môi trường và có nhiều ưu điểm như cách âm cách nhiệt tốt, giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm tải trọng móng, giảm kết cấu giảm, tốn ít vữa xây, không cần trát… nhưng kỹ thuật thi công không đúng, đội ngũ thợ không được đào tạo bài bản… đã khiến nhiều công trình xây dựng loại gạch này bị nứt, thấm, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Theo các chuyên gia trong ngành, để phát triển thị trường gạch không nung AAC, bên cạnh việc nghiên cứu, khắc phục những yếu điểm của gạch AAC nêu trên cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hướng dẫn thi công, nghiệm thu, định mức xây dựng… Tiếp tục tăng cường triển khai, thực hiện các văn bản quy phạm đã ban hành; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định triển khai tại các địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng…

Nguồn: Báo xây dựng