Ngành VLXD: Cạnh tranh tiếp diễn và còn khốc liệt hơn

Trong năm 2018, cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn, do việc gia tăng công suất trong nhiều ngành như Gạch, Xi măng, Nhựa, Kính xây dựng. Theo đó, nhiều nhà sản xuất cũng đồng thời tăng chất lượng sản phẩm hơn so với hiện tại, nhằm chiếm thêm thị phần mới và hưởng biên lợi nhuận cao hơn.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong nhóm vật liệu xây dựng, Thép là một trong những ngành nổi bật khi hai năm liên tiếp đạt tăng trưởng ấn tượng cả về sản lượng và giá.

Do vậy, VDSC tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan với các doanh nghiệp thép đầu ngành, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có thị phần lớn, có kế hoạch đầu tư mở rộng công suất và đã tăng vốn đủ để tài trợ. Được hỗ trợ bởi tăng trưởng lực cầu nội địa dự báo ở mức 20 – 22% và các chính sách phòng vệ thương mại có lợi cho sắt thép Việt Nam, các nhà sản xuất thép đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Không chỉ dừng ở tăng quy mô, theo VDSC, ngành Thép nội địa đang phát triển theo chiều sâu, sản xuất từ thượng nguồn để tăng năng lực sản xuất các bán thành phẩm, giảm nhập khẩu và đặc biệt hướng đến sản xuất các dòng sản phẩm sắt thép mà trước giờ hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Cũng theo Công ty này, trong năm 2018, lĩnh vực kính xây dựng sẽ không thuận lợi như năm 2016 và 2017. Theo Hiệp hội Sản xuất Kính Việt Nam (Vietglass), nguồn cung nội địa bao gồm 4 nhà máy sản xuất kính, gồm có Chu Lai, Việt Nhật, Bình Dương và Tràng An, với tổng công suất các nhà máy vào khoảng 3.500 tấn/ngày. Ngành kính sẽ có một năm 2018 không được thuận lợi như năm 2017 do: Giá bán kính sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn sau thời kì thiếu hụt nguồn cung tại thời điểm 2016 và nửa đầu năm 2017; và cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi Nhà máy Chu Lai, với công suất 1.200 tấn kính/ngày dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm sau.

Mức lợi nhuận hấp dẫn của ngành Ống nhựa đã thu hút được nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường và là môi trường thuận lợi để bắt đầu cuộc cạnh tranh về giá. Tuy mới “lấn sân” sang mảng ống nhựa, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã đưa ra các chính sách bán hàng rất cạnh tranh để chiếm thị phần, khiến một loạt các nhà sản xuất khác phải tăng cường chiết khấu cho mạng lưới bán lẻ. Ngay cả các công ty đầu ngành từng đạt mức lợi nhuận gộp trên 30% hiện tại có thể phải chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn do cạnh tranh từ những doanh nghiệp mới này. Giá niêm yết của ống nhựa sau một thời gian dài không đổi, đã tăng nhẹ do giá nguyên liệu đầu vào tăng nhờ sự phục hồi của giá dầu. Tăng trưởng nhu cầu xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản lượng tiêu thụ, trong khi các nhà sản xuất lớn như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP) hoạt động hết công suất để đáp ứng các đơn đặt hàng.

VDSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ ống nhựa sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2018, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng năng lực sản xuất.

Báo cáo của VDSC còn cho biết, lĩnh vực gạch xây dựng sẽ trở nên khó khăn hơn từ năm 2018 trở đi. Hiện tại, ngành Gạch xây dựng đang gặp sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán, với sự phân mảnh từ nhiều đối thủ trên thị trường và liên tục nâng công suất trong các năm gần đây. Với công suất hiện tại 60 triệu m2/năm, nguồn cung sẽ cần tăng tưởng trung bình 18,5% để đáp ứng nhu cầu, dự báo vào khoảng 140 triệu m2 vào năm 2020.

Ngành Xi măng tiếp tục đối mặt xu thế cạnh tranh nhiều hơn về giá, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào, bao gồm (than, dầu), chi phí nhân công tiếp tục tăng. Tổng công suất thiết kế các nhà máy vào khoảng 97 triệu tấn/năm trong năm 2017, cao hơn 20% so với nhu cầu tiêu thụ.

VDSC ước tính tổng công suất toàn ngành Xi măng sẽ tăng lên khoảng 120 triệu tấn vào năm 2020. Trong năm 2018, xu thế dư cung sẽ tiếp tục diễn ra, chủ yếu tại miền Bắc, trong khi nguồn cung tại miền Nam chủ yếu đến từ khu vực khác. Trong trường hợp xu thế xuất khẩu không có cải thiện và các dự án đầu tư mới về xi măng đi vào hoạt động, tình trạng dư cung sẽ tiếp tục diễn ra, vượt khoảng 25 – 30% so với cầu trong các năm tới./.