Ngói đất nung
Được chế tạo chủ yếu từ đất sét, qua các công đoạn phức tạp như ủ đất, cán, nhào, đùn ép, hút khí… để tạo thành những tấm nhỏ (galet). Sau quá trình phơi ủ sẽ chuyển sang tạo hình bằng phương pháp dập dẻo. Tùy theo hình dáng và vị trí sử dụng của sản phẩm cuối cùng, ngói được đặt những tên gọi khác nhau.
Ngói mộc được sấy tự nhiên hoặc cưỡng bức đến một độ ẩm cần thiết. Sản phẩm ngói mộc sau khi khô có thể tráng men hoặc không tráng men, được xếp vào lò nung. Dưới tác dụng của nhiệt, thông thường khoảng 1000 °C –1150 °C, đất sét kết khối, rắn chắc lại nên có độ hút nước thấp và hình dáng ổn định.
Một số công nghệ có thể thêm thiết bị, ngược lại một số lại bỏ bớt một vài công đoạn, tất cả đều có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Có thể nung ngói trong các lò thủ công hoặc lò tự động, lò liên tục hay gián đoạn. Ngói không tráng men chỉ cần nung 1 lần, riêng ngói tráng men có thể nung 1 hoặc 2 lần.
Ngói đất nung không tráng men (ngói đất truyền thống)
Ngói 22 v/m². Đây là loại ngói tuy không có tên gọi cụ thể nhưng là loại thông dụng nhất.
Ngói 20 v/m².
Ngói 10 v/m².
Ngói vảy cá, vảy rồng.
Ngói mũi hài đơn (và kép).
Ngói liệt: còn gọi là ngói ván hoặc ngói bằng.
Ngói âm.
Ngói dương.
Ngói chữ S.
Ngói ống (hay ngói tiểu) – Ngói câu đầu.
Ngói úp nóc, ngói chạc 3, chạc 4, ngói đuôi, ngói rìa…
Ngói đất nung tráng men
Ngói tráng men: Các loại ngói đất nếu được phủ men gốm thông thường, sau khi nung xong được gọi là ngói tráng men.
Ngói lưu ly: Các loại ngói âm, dương, ống, câu đầu, trích thuỷ, liệt nếu được tráng men thanh lưu ly, hoàng lưu ly hoặc bích lưu ly thì được gọi là ngói lưu ly.
Ngói vỏ quế, tên chữ là ngói la-qua: là loại ngói ống tráng men nhưng nhỏ và dài hơn, không có chuôi ngói như ở ngói lưu ly
Ngói trang trí
Một số loại ngói trên được chế tạo với kích thước nhỏ, có thể tráng men hoặc không dùng để dán trên mái đã được đúc sẵn (thường là mái betông) được gọi là ngói trang trí vì chúng không có tác dụng chính là lợp (chống mưa nắng).
Ngói xi măng, ngói không nung hay ngói màu
Được chế tạo bởi vữa xi măng và sơn phủ bột màu. Vữa xi măng sau khi trộn được đổ vào khuôn kim loại, được nén chặt bằng búa gỗ (sản xuất thủ công) hoặc rung bằng máy (sản xuất công nghiệp). Sau đó chuyển sang công đoạn bảo dưỡng trong một thời gian nhất định.
Hiện nay, tại Việt Nam, các nhà sản xuất sử dụng hai loại công nghệ chính cho việc sơn phủ lên ngói xi măng: công nghệ khô và công nghệ ướt.
Với công nghệ phủ màu khô: Sơn acrylic được phun lên bề mặt ngói trong trạng thái khô sau khi sấy. Tiến trình này đơn giản như sơn nhà và việc chọn lựa màu sắc phun cho ngói cũng rất dễ dàng. Tuy nhiên, công nghệ này không đáp ứng được nhu cầu về độ bền của màu sắc cho sản phẩm. Sự gắn kết lỏng lẻo giữa lớp sơn acrylic và bề mặt ngói sẽ sớm bị bong tróc theo thời gian. Hơn thế nữa, màu sắc sẽ rất chóng phai do sơn acrylic có tính nhạy cảm cao với tia cực tím.
Trái ngược với công nghệ nêu trên là công nghệ phủ màu ướt WET on WET hiện đang được các nhà sản xuất ngói bê tông hàng đầu thế giới áp dụng. Công nghệ ướt nổi bật ở chỗ bột màu được hoà lẫn với vữa hồ và phun trực tiếp lên bề mặt viên ngói còn ướt, ngay sau khi ngói vừa được định dạng, nhằm tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa lớp màu sơn và bề mặt ngói. Thực tế kiểm nghiệm cho thấy với công nghệ này, màu sắc ngói được giữ lâu bền hơn so với ngói màu làm từ công nghệ khô.
Ngói composite
Một số nơi còn dùng ngói composite vì nó có hệ số giãn nở nhiệt tương thích khí hậu vùng đó, điều mà các loại ngói xi măng hay ngói đất nung không thể đáp ứng.
Ngói Ác – đoa
Ngói Ác – đoa (Ardoise): là loại ngói khai thác từ đá trầm tích của Pháp, có màu đen nhánh như than đá, hình dáng như kiểu ngói vẩy cá hoặc có hình chữ nhật.