Theo đánh giá của các chuyên gia, đối với ngành Xây dựng, việc tìm ra các vật liệu mới thay thế các vật liệu cũ nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm tác động môi trường, tiết kiệm chi phí đang là hướng đi mới có tính khả thi, an toàn cao.
Điều này cũng đã được Bộ Xây dựng cụ thể hóa tại Thông tư số 13/2017/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN), các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% sử dụng VLXKN theo tỷ lệ: TP. Hà Nội và TP.HCM sử dụng 100%… có hiệu lực thi hành từ ngày 01/2/2018.
Lợi ích thấy rõ
Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, ông Phạm Văn Bắc, phát triển vật liệu không nung trong ngành Xây dựng phục vụ định hướng phát triển một nền sản xuất ngày càng thân thiện với môi trường. Định hướng trong tương lai, VLXKN sẽ thay thế gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội, việc nâng chuẩn sử dụng được coi là yêu cầu cần thiết.
Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera thì cho rằng, nguồn cung nguyên liệu chính để sản xuất gạch không nung là tro, xỉ, thạch cao, đá, chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng… hiện nay rất dồi dào, bởi với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh với nhiều nhà máy, xí nghiệp được đầu tư, xây dựng. Trong đó, phụ phẩm trong quá trình sản xuất của các nhà máy này lại là nguồn nguyên vật liệu chính để sản xuất vật liệu không nung.
Theo một tính toán khác, đến cuối năm 2017, lượng tro, xỉ, thạch cao FGD tồn chứa trên cả nước khoảng 40 triệu tấn và hàng năm thải ra khoảng 15 triệu tấn. Dự kiến, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch (57 nhà máy vào năm 2030), lượng tro, xỉ than đến năm 2018 là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn. Với một lượng tro, xỉ lớn này nếu không có giải pháp sử dụng hợp lý sẽ tạo gánh nặng cho môi trường, do phải tìm một bãi chứa chất thải khổng lồ để tiêu hóa lượng tro xỉ này. Tuy nhiên, đây sẽ là nguồn nguyên liệu khổng lồ để sản xuất VLXKN, tiện cả đôi đường, ông Tuấn cho biết.
Phân tích theo hướng khác, theo góc độ kinh tế, hiện mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng hơn 20 tỷ viên gạch, gồm gạch vỉa hè, gạch terrazzo, gạch men, gạch granite… Với đà phát triển này, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 50 tỷ viên/1 năm. Việc sử dụng gạch đất nung sẽ gây tiêu tốn rất nhiều đất sét, ảnh hưởng lớn tới diện tích đất canh tác và an ninh lương thực, nên việc sử dụng gạch không nung là một lợi thế thấy rõ.
Cần những giải pháp hỗ trợ
Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ông Lê Văn Tới, thời gian tới, để mặt hàng vật liệu gạch không nung có chỗ đứng trên thị trường, Bộ Xây dựng cũng cần nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy việc sử dụng loại vật liệu xây dựng mới này, bằng việc sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng trong các công trình xây dựng, giao thông, san lấp mặt bằng.
Đồng thời có quy định bắt buộc các dự án xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, phải sử dụng các sản phẩm tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao như gạch không nung, xi măng… Đặc biệt, cần thực hiện các biện pháp mạnh tay để tuyên truyền phổ biến cho người dân và doanh nghiệp hiểu đúng về các loại vật liệu này, coi nó như là các vật liệu thông thường, đủ tiêu chuẩn, an toàn, tránh tâm lý nghĩ rằng đó là các loại vật liệu độc hại, dẫn đến tâm lý e ngại khi sử dụng.
Theo ý kiến của Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gạch Khang Minh, ông Đặng Việt Lê, để khuyến khích vật liệu không nung phát triển, ngoài việc chính thức hóa việc sử dụng vật liệu không nung bằng các quy phạm pháp luật, cần giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% đối với gạch không nung, tăng từ 10% lên 20% với gạch đỏ, tăng thuế đất làm gạch nung từ 13% lên 25% (để phù hợp với mức thuế suất các nước trong khu vực).
Ngoài ra, ông Đặng Việt Lê cũng rất tự tin về các sản phẩm gạch không nung như gạch xi măng cốt liệu. Ông cho biết hiện công ty đã có 6 dây chuyền sản xuất loại gạch này với công suất 200 triệu viên/năm. Dự kiến trong năm 2018 sẽ tiếp tục đầu tư thêm bốn dây chuyền với công suất tương tự, nâng tổng công suất của công ty lên gấp đôi, khoảng 400 triệu viên QTC/năm.
Thị trường gạch không nung vẫn đang rộng mở và đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Điển hình như dự án khu nhà ở xã hội Ecohome (Trường Chinh, Hà Nội), công trình đã sử dụng hơn 80% vật liệu là gạch không nung, ông Đặng Việt Lê cho biết./.