Hoạt động khai thác đá tại Mỏ đá Hạ Long của Công ty TNHH Sản xuất Vật liệu xây dựng Hạ Long.
Đối với TP. Hạ Long, hiện có 14 mỏ đá hoạt động, trong đó có 3 mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; 11 mỏ do UBND tỉnh cấp phép. Lộ trình từ nay đến năm 2025, sẽ có 7 mỏ đá hết hạn giấy phép khai thác và sẽ phải đóng cửa mỏ. Riêng 3 mỏ đá do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép việc đóng cửa sẽ do Bộ quyết định.
Nhiều đơn vị có hoạt động khai thác đá của thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khai thác, sớm hoàn thiện việc đóng cửa mỏ. Như tại mỏ đá Hạ Long, thôn Đồng Cao, xã Thống Nhất (TP Hạ Long) do Công ty TNHH Sản xuất Vật liệu xây dựng Hạ Long đầu tư, được tỉnh cấp phép khai thác từ năm 2007.
Ông Chu Đức Chính, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Hạ Long cho biết, lộ trình còn hơn 5 tháng nữa mỏ đá Hạ Long sẽ hết phép khai thác và đóng cửa mỏ. Việc đóng cửa mỏ đá sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm của hàng chục cán bộ, công nhân song đơn vị ủng hộ chủ trương này của tỉnh vì yếu tố môi trường bền vững.
Hiện, Công ty đang phối hợp chặt chẽ với địa phương cam kết khai thác đá đúng quy định. Quá trình khai thác Công ty cam kết đảm bảo môi trường, an toàn lao động và nộp quỹ môi trường đầy đủ. Song song với đó, hiện tại, Công ty cũng đang chuẩn bị các phương án sang năm 2022 sẽ tập trung hoàn nguyên môi trường như xây kè đá, trồng cây xanh tại khai trường mỏ.
Định hướng phát triển TP. Hạ Long trong tương lai lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng không gian ra các khu vực lân cận đô thị theo xu hướng hạ tầng xanh và thông minh, gắn với hệ sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, TP. Hạ Long phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng Kinh tế – Xã hội đồng bộ, hiện đại. Vì vậy, việc đóng cửa dần các mỏ đá sẽ giải quyết thách thức, áp lực về môi trường sinh thái, mâu thuẫn xung đột với phát triển ngành du lịch, dịch vụ thương mại, phù hợp với chiến lược phát triển của thành phố.