Chấm dứt lò gạch thủ công trước năm 2020

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, thời gian tới, sẽ tập trung phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, tiến tới xóa bỏ các lò gạch đất sét thủ công trước năm 2020.

Đẩy mạnh phát triển gạch không nung

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, nhu cầu sử dụng vật liệu xây đến năm 2020 khoảng 850 – 900 triệu viên gạch/năm. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương và số liệu khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung với công suất từ 3 đến 15 triệu viên/năm. Trong đó, có 19 cơ sở đang hoạt động, 4 cơ sở đang đầu tư xây dựng, với tổng công suất thiết kế khoảng 84 triệu viên/năm. Các cơ sở này chủ yếu sản xuất gạch xi măng cốt liệu (gạch block) và gạch bê tông nhẹ. Sở Xây dựng cho rằng, tỷ lệ thay thế gạch xây không nung cho gạch đất sét nung đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra; nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng, nhất là những công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Sản xuất gạch không nung sẽ được đẩy mạnh trong những năm tới
Sản xuất gạch không nung sẽ được đẩy mạnh trong những năm tới

Căn cứ vào định hướng phát triển vật liệu xây không nung của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, gạch xây không nung thay thế gạch đất sét nung phải đạt tối thiểu 40%, tương ứng với khoảng 255 – 360 triệu viên gạch. Trong đó, gạch block đạt 188 – 250 triệu viên/năm, gạch bê tông nhẹ đạt 53 – 90 triệu viên/năm, gạch khác đạt 12 – 18 triệu viên/năm. Để đạt được mục tiêu này, Sở Xây dựng đề nghị cần tập trung phát triển 2 loại gạch chủ yếu là gạch block và gạch nhẹ.

Trong giai đoạn 2016 – 2018, đối với gạch block, cần khuyến khích các cơ sở đầu tư nâng công suất sản xuất lên tối thiểu 3 triệu viên/năm. Từ năm 2016 – 2017, hỗ trợ các doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động 4 dây chuyền có công suất thiết kế 5 – 15 triệu viên/năm. Mục tiêu đến năm 2018, nâng công suất sản xuất gạch block trên toàn tỉnh đạt 160 – 180 triệu viên/năm. Đối với gạch bê tông nhẹ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong khu kinh tế, cụm công nghiệp hoàn thành đầu  tư xây dựng một nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp có công suất 100.000m3/năm, tương ứng 95 triệu viên/năm. Song song đó, sẽ chấm dứt các cơ sở sản xuất không đảm bảo môi trường, không thực hiện công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Bộ Xây dựng.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, đối với gạch block, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng 4 dây chuyền sản xuất có công suất từ 15 đến 17 triệu viên/năm. Một số cơ sở sản xuất có công suất từ 3 đến 5 triệu viên/năm nếu có đủ mặt bằng, nguồn nguyên liệu và phù hợp với quy hoạch sẽ được hỗ trợ nâng công suất lên 5 – 7 triệu viên/năm. Đối với gạch bê tông nhẹ, sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp có công suất tối thiểu 20.000m3/năm, tương đương 25 triệu viên/năm; đầu tư mới 1 hoặc 2 dây chuyền gạch bê tông bọt có công suất 5.000 – 10.000m3/năm, tương đương 40 triệu viên/năm.

Theo đề án mới được phê duyệt, các ngành chức năng cần kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn. Những cơ sở không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành thì phải thực hiện cải tiến kỹ thuật, dây chuyền công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn về gạch không nung. Những cơ sở không cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ trước năm 2017 thì đề nghị thực hiện chấm dứt hoạt động. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất gạch xây không nung.

Chấm dứt lò gạch thủ công trước năm 2020

Được biết, hiện nay, toàn tỉnh còn 56 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, gồm: thị xã Ninh Hòa 54 cơ sở, huyện Diên Khánh 1 cơ sở, huyện Vạn Ninh 1 cơ sở. Tổng cộng có 108 lò, gồm 12 lò vòng, 95 lò đứng, 1 lò vòng cải tiến với công suất khoảng 86,2 triệu viên/năm, giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đối với lò sản xuất bằng công nghệ tuynel được phép tồn tại và đầu tư tiếp theo quy hoạch vật liệu xây dựng của tỉnh. Đến năm 2020, các lò gạch tuynel phải đầu tư nâng công suất lên tối thiểu 15 triệu viên/năm, đảm bảo hoạt động theo quy định của Bộ Xây dựng; không đầu tư mới các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuynel không có trong quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh. Đối với lò thủ công, lò cải tiến, lò đứng liên tục không đầu tư xây dựng mới, thực hiện chấm dứt hoạt động trước năm 2017 đối với 51 cơ sở đang hoạt động. Đối với lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch không đầu tư mới, thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động hoặc chuyển qua lò tuynel trước năm 2018. Đối với lò vòng, lò cải tiến không sử dụng nhiên liệu hóa thạch chấm dứt hoạt động trước năm 2020 hoặc chuyển đổi sang lò tuynel.

Để thực hiện đề án này, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, thời gian tới cơ quan liên quan cần đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế, cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vật liệu xây không nung, ưu tiên công nghệ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, cần thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động tại các cơ sở sản xuất gạch thủ công bị ngưng hoạt động; hỗ trợ kinh phí phá dỡ lò gạch thủ công còn hoạt động…

Ông Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời  gian tới, tỉnh sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật “Quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” nhằm cụ thể hóa các quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quy định, hướng dẫn hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng trước khi đưa vào công trình xây dựng; quy định việc thực hiện hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm, vật liệu theo quy định của Bộ Xây dựng…

Nguồn: baokhanhhoa.com.vn