Các sản phẩm vật liệu xây không nung đã chứng tỏ được ưu thế và tiềm năng. Ở Việt Nam, sức tiêu thụ gạch này còn chưa xứng với tiềm năng, trong khi trên thế giới sức tiêu thụ tăng khá mạnh.
Tăng nhưng chưa xứng
Theo Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã sản xuất 2,64 tỷ viên gạch không nung, trong đó có 0,33 tỷ viên gạch bê tông bọt, bê tông khí còn lại chủ yếu là gạch cốt liệu.
Thực tế trong khó khăn chung của thị trường gạch không nung thì gạch cốt liệu vẫn có “cửa” phát triển tốt hơn các loại gạch khác, tiêu thụ tốt hơn các loại gạch không nung còn lại.
Đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mẫu mã và kích thước gạch cốt liệu cũng khá đa dạng, có loại đặc như gạch nung truyền thống, có loại gạch cốt liệu rỗng, kích thước lớn, tiết kiệm được chi phí nhân công và thời gian xây dựng cho chủ đầu tư… Không yêu cầu kỹ thuật cao và đòi hỏi vữa xây chuyên dụng như gạch bê tông bọt, bê tông khí, cách xây và vữa xây gạch cốt liệu giống như gạch sét nung nên gạch cốt liệu đã trở nên quen thuộc và được nhiều người lựa chọn.
Một chủ đầu tư cho biết: Chúng tôi vẫn sử dụng gạch đỏ vì dùng gạch bê tông khí thì hay vướng các vấn đề kỹ thuật, nứt thấm… còn bê tông cốt liệu thì nặng, tải trọng móng cao.
Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu, gạch cốt liệu được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Ở Hàn Quốc, 100% sử dụng gạch cốt liệu, các công trình họ xây dựng ở Việt Nam như tòa nhà 72 tầng Keangnam cũng sử dụng hoàn toàn gạch cốt liệu.
Thực tế gạch cốt liệu hoàn toàn có thể sử dụng xây dựng các công trình cao tầng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng chứ không chỉ làm hàng rào, xây khu vệ sinh như hiện nay nhưng tất cả vẫn là do thói quen, suy nghĩ của người sử dụng.
Tiềm năng gạch không nung rất lớn, tính đến hết năm 2015, tổng công suất thiết kế vật liệu xây không nung đạt 6,5/24,3 tỷ viên vật liệu xây (đạt 26%). Sản lượng sản xuất vật liệu xây không nung đạt gần 5,5 tỷ viên trên tổng số 23 tỷ viên vật liệu xây (đạt 24%)… hoàn toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhưng để gạch không nung phát triển mạnh hơn nữa thì cũng cần lộ trình dài.
Tiêu thụ gạch cốt liệu tăng mạnh trên thế giới
So với mức độ phát triển gạch cốt liệu ở Việt Nam thì thị trường tiêu thụ gạch cốt liệu toàn cầu có mức tăng mạnh mẽ hơn. Theo một báo cáo mới công bố từ Persistence Market Research về “Thị trường cốt liệu bê tông xây dựng toàn cầu: Phân tích và Dự báo giai đoạn 2016 – 2024”, ước tính đến cuối năm 2016, thế giới tiêu thụ 43,3 tỷ tấn, đạt giá trị là 350,2 tỷ USD. Dự kiến thị trường tăng trưởng 6,3% trong năm 2016 và khối lượng tiêu thụ dự kiến đạt 62,9 tỷ tấn tính đến năm 2024.
Nguyên nhân đưa loại gạch này phát triển chính là việc phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án đổi mới, các công trình thương mại, xây dựng khu dân cư, khu du lịch phát triển mạnh.
Những quốc gia sử dụng, sản xuất gạch bê tông cốt liệu lớn đầu tiên phải kể đến Trung Quốc. Đất nước đông dân nhất thế giới này chiếm 26,7% thị phần trên thị trường toàn cầu trong năm 2015, tiếp đến là Ấn Độ do các dự án phát triển cơ sở hạ tầng gia tăng. Trung Quốc, Đức, NaUy và Ukraine là các nhà xuất khẩu lớn, trong khi Canada, Kuwait, Singapore và Qatar là các nhà nhập khẩu chính trong năm 2015.