Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị Vật liệu xây dựng toàn quốc năm 2017, sau 6 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 567), đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Cụ thể, hầu hết các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung, cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung. Đặc biệt, tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM.
Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân cũng đã tích cực chủ động hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm.
Đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng không nung đã đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 28% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2016 ước khoảng 24 tỷ viên.
Theo nhận định của giới chuyên gia, tiếp đà này, mục tiêu đóng góp 30 – 40% tổng lượng vật liệu xây đến năm 2020 là trong tầm tay và nó sẽ thành xu thế lựa chọn trong xây dựng của người tiêu dùng.
Ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhận định, do lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung trong nước ngày càng tăng, nên nhiều nhà đầu tư đã và đang mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này nhằm chiếm lĩnh thị trường, đón đầu xu thế phát triển. Đơn cử, Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên đã đầu tư thêm dây chuyền 2 sản xuất gạch bê tông khí chưng áp công suất 150.000 m3/năm.
Đồng quan điểm, ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gạch Khang Minh chia sẻ, thị trường gạch không nung đang rộng mở và đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Điển hình như dự án khu nhà ở xã hội Ecohome (Hà Nội) đã sử dụng hơn 80% vật liệu là gạch không nung.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, phát triển vật liệu không nung trong ngành xây dựng phục vụ định hướng phát triển một nền sản xuất ngày càng thân thiện với môi trường.
Định hướng trong tương lai, vật liệu xây dựng không nung sẽ thay thế gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội, việc nâng chuẩn sử dụng được coi là yêu cầu cần thiết.
Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cho rằng, ngoài xu hướng tất yếu của thị trường trong tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung, thì nguồn cung nguyên liệu chính để sản xuất gạch không nung là tro, xỉ, thạch cao, đá, chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng… hiện nay rất dồi dào, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm này phát triển.
Theo tính toán sơ bộ, đến cuối năm 2017, lượng tro, xỉ, thạch cao FGD tồn chứa trên cả nước khoảng 40 triệu tấn và hàng năm thải ra khoảng 15 triệu tấn. Dự kiến, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch (57 nhà máy vào năm 2030), lượng tro, xỉ than đến năm 2018 là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn.
“Với một lượng tro, xỉ lớn này, nếu không có giải pháp sử dụng hợp lý, sẽ tạo gánh nặng cho môi trường, do phải tìm một bãi chứa chất thải khổng lồ để tiêu hóa lượng tro xỉ này. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu khổng lồ để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, tiện cả đôi đường”, ông Tuấn nhận định.