Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, có hiệu lực thi hành từ tháng 2/2018.
Cụ thể, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% tại Hà Nội và TP.HCM phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.
Đối với các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ và vùng Đông Nam bộ: tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%.
Các tỉnh còn lại: tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.
Cũng theo Thông tư này, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Theo Bộ Xây dựng đã có 55 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung. 25 địa phương đã xây dựng và ban hành chỉ thị về tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng đất sét nung, xóa bỏ 70% lò vôi thủ công.
Vật liệu xây không nung bao gồm:
– Gạch xi măng – cốt liệu;
– Vật liệu nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm Panel từ bê tông khí chưng áp);
– Tấm tường thạch cao, tấm 3D;
– Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát…).
Các sản phẩm vật liệu không nung trên phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.