Hiện mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên gạch, gồm gạch vỉa hè, gạch terrazzo, gạch men, gạch granite… Với đà phát triển này, đến năm 2020 lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 50 tỷ viên/năm.
Mục tiêu trong “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phải đạt tỷ lệ gạch xây không nung lên mức 30-40% vào năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, vật liệu xây không nung chiếm hiện hơn 24% so với tổng sản lượng vật liệu xây dựng.
Tổng công suất thiết kế các chủng loại vật liệu xây không nung đến hết năm 2016 đạt khoảng 07 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, tuy nhiên mới chỉ sản xuất 6,5 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm.
Chỉ có gạch xi-măng cốt liệu có mức tiêu thụ cao, khoảng 5,7 tỷ viên quy tiêu chuẩn, đạt khoảng 98% lượng sản xuất, còn không nung loại nhẹ (gạch bê-tông khí chưng áp, bê-tông bọt) mới chỉ đạt khoảng 0,55 tỷ viên trên tổng công suất khoảng 1,2 tỷ viên quy chuẩn.
Nhu cầu vật liệu xây không nung sẽ tăng cao. Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD buộc các công trình xây dựng bằng vốn Nhà nước từ 30% trở lên phải sử dụng vật liệu xây không nung, bắt đầu từ ngày 01/02/2018.
Hiện thị trường Việt Nam đã nhập khẩu nhiều chủng loại máy ép gạch không nung, trong đó mới nhất là máy Stonemaker (Canada). Loại máy này sẽ cho ra viên gạch ép có độ cứng gấp 5 lần gạch đỏ thông thường, sau khi nén sẽ được sử dụng ngay sau 24 giờ, không cần phải đợi 7-15 ngày như các máy ép gạch khác. Nguyên liệu đầu vào cho gạch không nung là phế thải từ đào móng, xà bần, mùn cưa, xỉ than…
Trong khi đó, theo thống kê lượng tro, xỉ than đang thải ra tại Việt Nam rất lớn. Đến cuối năm 2017, lượng tro, xỉ, thạch cao FGD tồn chứa trên 40 triệu tấn, năm 2018 là 61 triệu tấn, năm 2020 là 109 triệu tấn, năm 2025 là 248 triệu tấn… Vấn đề này sẽ được giải quyết khi ứng dụng gạch xây không nung đại trà trong các công trình xây dựng.