Tăng theo “sở thích”
Cuối tháng 12/2017, ông Dương Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Xây dựng Trần Anh liên hệ với một doanh nghiệp vật liệu có mỏ đá tại tỉnh Đồng Nai để mua hơn 30.000 khối đá xanh. Trước đó, vào tháng 9/2017, ông Tuấn đã mua của doanh nghiệp này 20.000 tấn đá cùng loại. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phát giá tới 125.000 đồng/khối thì ông Tuấn ngã ngửa bởi tháng 9 giá mới là 93.000 đồng/khối.
“Tôi có liên hệ với 3 công ty khác có mỏ đá ở Đồng Nai và 2 công ty tại Bà Rịa – Vũng Tàu, 1 công ty tại Bình Dương nhưng đều nhận được bảng giá đã tăng như công ty mà tôi hỏi mua trước”, ông Tuấn nói.
Để xác thực thông tin trên, phóng viên Đầu tư Bất động sản liên hệ với một lãnh đạo Công ty Đá Núi Nhỏ, tỉnh Đồng Nai. Ông này cho biết, giá đá tăng từ tháng 10/2017 do nhu cầu xây dựng những tháng cuối năm tăng cao, lượng đá khai thác không đủ cung cấp. Việc tăng giá này theo quy luật hàng năm chứ không phải năm nay mới tăng.
Không chỉ giá đá, giá cát xây dựng cũng tiếp tục tăng trong những tháng qua. Hiện giá cát đen tại TP.HCM đang được bán dao động từ 450.000 – 600.000 đồng/m3, tăng gấp 3 – 4 lần so với đầu năm 2017. Riêng giá cát tăng do khan hiếm nguồn cung vì nhiều địa phương hạn chế việc khai thác cát do gây sạt lở nghiêm trọng.
Đối với những loại vật liệu xây dựng khác cũng tăng giá phổ biến từ 5 – 10%. Đơn cử như tại một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM, gạch xây dựng tuynel (Bình Dương) khoảng 1.000 – 1.170 đồng/viên, gạch ống xi măng 2.000 đồng/viên, gạch bê tông (block xây tường 190mm) từ 11.000 – 11.364 đồng/ viên, ngói chính 12.273 – 13.000 đồng/viên, gạch ceramic kích thước 25×25 không mài (Vĩnh Phúc) có giá từ 80.000 – 86.000 đồng/viên, xi măng vẫn ở mức 88.000 – 90.000 đồng/bao…
Trong đó, giá sơn tăng cao khoảng 10% trong tháng cuối năm 2017. Bà Lê Thị Thu, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt, TP.HCM cho biết, cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu về sơn tăng vọt vì theo truyền thống, người dân luôn mong muốn đón Tết Âm lịch với ngôi nhà khang trang, sáng sủa hơn. Đây cũng là lúc mà các công trình bước vào giai đoạn nước rút, tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng của việc xây nhà hoặc sơn sửa, tân trang lại để có thể kịp đón tết.
Cần biện pháp bình ổn
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp ngành xây dựng, bên cạnh việc lên xuống theo mùa vụ xây dựng, lâu nay những tháng đầu và cuối năm, giá vật liệu xây dựng “nhảy múa” vẫn thường nhảy mùa theo “sở thích” của doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và đây là điều hết sức bất hợp lý.
“Tình trạng này diễn ra nhiều năm qua, nhưng chưa có chế tài nào xử lý, cũng như biện pháp ngăn chặn từ cơ quan quản lý, để doanh nghiệp ngành vật liệu tự đưa mức giá là điều không ổn cho ngành xây dựng hiện nay”, bà Trịnh Hoài Linh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất Code Arch nói.
Trước vấn đề này, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2018, tình trạng này sẽ được cải thiện bởi cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác quản lý thị trường trên phạm vi toàn quốc theo quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa hoặc khan hiếm, hạn chế có những mâu thuẫn đột biến về cung cầu, tăng giá vật liệu theo thời vụ.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn để chương trình phát triển vật liệu xây không nung đi vào cuộc sống hơn nữa, từng bước thay thế vật liệu nung; khắc phục những khiếm khuyết của vật liệu không nung, góp phần thực hiện cam kết với quốc tế, giảm khí thải ra môi trường.
Tuy nhiên, địa diện nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng cho rằng như vậy thôi chưa đủ mà cần có chế tài cụ thể hơn cho ngành vật liệu xây dựng với những biện pháp mạnh, không đẻ biệc doanh nghiệp tự bắt tay nhau tăng giá, phải có mẫu giá áp dụng chung cho từng mặt hàng và chống tình trạng tự tăng giá hoặc phá giá ở một khu vực vùng nào đó khi mà mặt hàng vật liệu xây dựng vùng đó khan hiến thì doanh nghiệp đột ngột tăng giá như hiện nay.