Công nghệ và vật liệu thay thế là xu hướng phù hợp cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, nhất là gạch không nung chưa như kỳ vọng. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể, qua đó góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế và hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường từ việc sản xuất vật liệu xây dựng.
Chưa như kỳ vọng
Phát triển vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung là chủ trương đúng, đặc biệt sản phẩm này góp phần tích cực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung vẫn chưa như kỳ vọng dù đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Đến nay, hầu hết các địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung, cũng như khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung. Đặc biệt, một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như Bắc Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.
Tính đến nay, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm không nung chính, gồm gạch block xi măng cốt liệu (gạch bê tông), gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt đã đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm; sản xuất đạt 6,5 tỷ viên/năm, chiếm khoảng 27% so với tổng sản lượng vật liệu xây (ước khoảng 24 tỷ viên). Chương trình đã đạt mục tiêu đề ra “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015; 30-40% vào năm 2020”.
Tuy nhiên, dù nhiều công trình lớn đã sử dụng từ 80 đến 100% vật liệu xây không nung như Dự án nhà ở xã hội Ecohome, Dự án nhà ở thương mại tại ngõ 102 Trường Chinh (Hà Nội), nhưng với các công trình xây dựng nhỏ lẻ, gạch không nung chưa thực sự được hưởng ứng. Lý giải điều này, Thạc sĩ Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nêu 4 lý do: Thứ nhất là thói quen sử dụng gạch cũ; thứ hai là lợi ích của việc sản xuất, sử dụng vật liệu cũ sẽ bị động chạm khi bị vật liệu mới thay thế; thứ ba là sự thờ ơ của một số cá nhân, tổ chức với mục tiêu chung và cuối cùng là tính tùy tiện vẫn còn trong thiết kế, thi công công trình.
“Các vết nứt tại những mảng tường khi sử dụng vật liệu không nung trong thời gian qua cho thấy, người thi công đã không thực hiện đúng kỹ thuật trong sử dụng vật liệu này. Nhiều công trình thiết kế sử dụng gạch bê tông khí chưng áp, nhưng người thiết kế không chỉ rõ cần phải gia cường những điểm xung yếu hoặc sử dụng lưới sợi tại những điểm cần thiết, trong khi kỹ thuật thi công cũng chưa am hiểu thấu đáo loại vật liệu này” – Thạc sĩ Lê Văn Tới nói thêm.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, lĩnh vực vật liệu xây dựng vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như một số quy định quản lý không phù hợp; trình độ công nghệ, thiết bị nói chung của toàn ngành chưa cao. Một số tiêu chuẩn và hành lang pháp lý liên quan đến sản phẩm, thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình sử dụng vật liệu xây không nung còn chậm ban hành, chưa đáp ứng được việc đưa các sản phẩm vật liệu xây không nung sử dụng trong các công trình xây dựng.
Nhiều giải pháp cụ thể
Để bảo đảm ngành Vật liệu xây dựng phát triển ổn định, bền vững, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng và để san lấp.
Cùng với đó, Bộ cần tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung có hiệu quả.
Hiện Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng (hiệu lực từ ngày 1-2-2018). Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.
Đối với các tỉnh Đồng bằng trung du Bắc Bộ và vùng Đông Nam Bộ, tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%. Nhà nước khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng…