Những điều cần biết về gạch xây dựng

Hiện nay, thị trường gạch xây dựng rất đa dạng chủng loại, bao gồm gạch thủ công, gạch tuynel (gạch nung) và gạch block (gạch không nung). Vì vậy, việc lựa chọn được loại gạch phù hợp với công trình không phải là điều dễ dàng. Những thông tin dưới đây phần nào sẽ giải đáp một số thắc mắc của bạn đọc về gạch xây dựng hiện nay.

Có bao nhiêu loại gạch xây dựng?

Gạch xây dựng được chia thành nhiều loại khác nhau, nhưng chung quy gồm 2 loại cơ bản là gạch đất nung và gạch không nung. Gạch đất nung là loại gạch truyền thống rất phổ biến trong các công trình ở Việt Nam với tỷ lệ sử dụng chiếm tới 80%. Thành phần nguyên liệu của gạch đất nung là đất sét được nung ở nhiệt độ cao.

Còn gạch không nung là một loại vật liệu xây dựng mới, với thành phần chủ yếu từ xi măng, mạt đá, phế thải công nghiệp. Đặc trưng cơ bản của gạch không nung là không được nung ở nhiệt độ cao mà là được ép định hình rồi trải qua quá trình rung với tần suất cao, tạo nên những viên gạch cứng, chắc, độ bền cơ học cao. Gạch không nung được chia thành 2 loại là gạch block và gạch bê tông bọt khí. Ngoài ra, còn có gạch rỗng và gạch đặc, tùy thuộc vào yêu cầu xây dựng của mỗi công trình mà chọn sử dụng cho phù hợp.

Gạch rỗng và gạch đặc khác nhau như thế nào?

Sự khác nhau cơ bản giữa gạch rỗng và gạch đặc là cấu tạo. Theo đó, gạch rỗng có các lỗ rỗng phía trong viên gạch, có thể là 2, 3, 4, 6 hoặc 10 lỗ tùy yêu cầu thiết kế. Chính vì cấu tạo rỗng nên gạch rỗng sử dụng ít nguyên liệu hơn, nhờ đó mà giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, gạch rỗng lại có khả năng chịu nén (MAC) thấp, độ hút nước cao. Ngược lại, gạch đặc có cấu tạo một khối xuyên suốt, không có lỗ, do vậy tốn nhiều nguyên liệu sản xuất hơn, giá thành đắt hơn. Nhưng bù lại, gạch đặc cứng chắc và ít thấm nước, được sử dụng cho những công trình yêu cầu cao về chất lượng.

Gạch rỗng và gạch đặc sử dụng trong những trường hợp nào?

Mặc dù có khả năng chịu nén không cao nhưng gạch rỗng vẫn được đánh giá là đáp ứng tốt các yêu cầu xây dựng, thường được sử dụng để xây dựng tường bao cho hầu hết các công trình. Còn gạch đặc chủ yếu để thi công các hạng mục hầm, móng hay tường bao cho những công trình yêu cầu khả năng cách âm, cách nhiệt và kháng nước cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng gạch đặc để xây tường bao thì chi phí xây dựng có thể tăng lên gấp 2 – 3 lần.

Bên cạnh đó, mỗi vùng miền địa lý khác nhau sẽ có “thói quen” sử dụng gạch xây dựng khác nhau. Nếu như các tỉnh miền Bắc và miền Trung thường sử dụng gạch rỗng 6 lỗ thì các tỉnh miền Nam lại chuộng gạch rỗng 4 lỗ hơn. Trong khi miền Trung sử dụng gạch lỗ tròn thì miền Nam lại thích dùng gạch lỗ vuông,…

Có nên sử dụng gạch thủ công trong xây dựng?

Gạch tuynel là loại gạch nung được sản xuất theo công nghệ bắt nguồn từ Đức, nhờ vậy mà chất lượng đồng đều, tiêu tốn ít nguyên liệu và hạn chế ô nhiễm môi trường. Còn gạch thủ công cũng được sản xuất tương tự như vậy, nhưng lại sử dụng lò đứng, lò vòng, lò thủ công, lò hoffman,… để nung gạch nên trong quá trình nung, không kiểm soát được nhiệt độ lò đốt, vì vậy mà các sản phẩm gạch không đạt được sự đồng đều về độ chín cũng như kích thước. Do đó, mặc dù có giá thành rẻ hơn nhưng gạch thủ công lại không được khuyến khích sử dụng.

Còn với gạch block thì sao?

Gạch block đang nhận được sự đánh giá rất cao trên thị trường gạch xây dựng hiện nay mà trước hết là sự đồng đều. Có thể nói, với gạch block, 100 viên gạch đều như nhau về kích thước cũng như các thông số kỹ thuật khác. Bên cạnh đó, gạch block còn hội tụ nhiều ưu điểm như cường độ nén gấp 2 – 4 lần gạch đất nung, độ thấm nước thấp, có khả năng chế tạo thành nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Đặc biệt, khi dùng để xây dựng nhà xưởng thì không cần dùng trát vữa, góp phần tiết kiệm nguyên liệu và chi phí xây dựng.

Gạch block đã được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam. Hiện nay, nhà nước ta cũng đang đưa ra nhiều chính sách phát triển việc sản xuất và sử dụng gạch block, không chỉ trong các công trình cao cấp mà cả trong công trình dân dụng. Nhưng lưu ý, chỉ sử dụng gạch block có chứng nhận đạt tiêu chuẩn MAC cũng như khi thi công, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và tay nghề cao bởi gạch block có kích thước gấp 3 – 4 lần gạch đất nung, vì thế trọng lượng cũng nặng hơn.