1. Gạch đặc
Gạch đặc có kích thước 220x105x55 (mm) với cấu tạo đặc, màu đỏ hồng hoặc đỏ sẫm. Chính vì cấu tạo đặc nên gạch có ưu điểm chắc chắn, vững chãi, khả năng chống thấm tốt. Gạch thường được sử dụng cho những hạng mục yêu cầu cao về khả năng chịu lực và chống thấm như tường chịu lực, tường bao, tường vệ sinh, tường móng, đố cửa… Gạch đặc được chia thành 3 loại A1, A2 và B. Chất lượng của 3 loại này giảm dần từ A đến B. Hạn chế của gạch đặc là khá nặng so với gạch siêu nhẹ, giá thành cao hơn gạch rỗng.
2. Gạch thông tâm (gạch 2 lỗ)
Gạch thông tâm còn gọi là gạch 2 lỗ, có kích thước 220 x 105 x 55 (mm), cũng có màu đỏ hồng và đỏ sẫm như gạch đặc. Nhưng trái ngược với gạch đặc, gạch thông tâm chỉ được sử dụng cho những hạng mục không chịu được lực hoặc không yêu cầu cao về khả năng chống thấm bởi cấu tạo gạch rỗng, thông tâm 2 lỗ. Vì vậy, gạch không được khuyến khích sử dụng cho tường nhà vệ sinh hay tường bao vì rất dễ bị thấm nước và ẩm mốc.
3. Gạch rỗng 6 lỗ
Còn được gọi với tên gọi khác là gạch Tuynel. Kích thước phổ biến của gạch rỗng 6 lỗ là 220 x 105 x 150 (mm), có 6 lỗ, màu đỏ hồng hoặc đỏ sẫm. Gạch tuy có cấu tạo khác với gạch thông tâm nhưng nó được ứng dụng vào các hạng mục tương tự như gạch thông tâm, đó là những hạng mục không yêu cầu cao về khả năng chịu lực và chống thấm. Trong một vài trường hợp, gạch rỗng 6 lỗ còn được ứng dụng để làm lớp chống nóng cho mái hoặc xây tường dày 150. Ưu điểm lớn nhất của vật liệu này là gạch nhẹ, giá thành rẻ, tuy nhiên, khả năng chịu lực kém.
Trong xây dựng, gạch đóng vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng của công trình. Do đó, cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định chọn loại gạch để mang đến một công trình bền vững theo thời gian.