Phát triển vật liệu xây dựng: Bước nhảy vọt

Nếu như trước năm 2010, nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) chủ lực của Việt Nam chủ yếu còn nhập khẩu từ nước ngoài, thì từ năm 2010 đến nay, ngành sản xuất VLXD nước ta đã phát triển không ngừng và đạt được những thành tựu to lớn trong việc phát triển các cơ sở sản xuất VLXD, với công nghệ tiên tiến, hiện đại ngang tầm với khu vực và các nước phát triển trên thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng: Các chủng loại sản phẩm vlxd chủ yếu cơ bản đã thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước; đồng thời một số sản phẩm vlxd đã tham gia vào thị trường xuất khẩu (xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng, đá ốp lát, vôi…).

Ngành công nghiệp xi măng là một ví dụ. Đây là một trong số các ngành công nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Từ năm 2010 cũng là năm đánh dấu mốc son Việt Nam đã sản xuất đủ xi măng cho nhu cầu nội địa bằng nguồn clanhke sản xuất trong nước.

Những năm tiếp theo, để phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ trong nước, Việt Nam đã xuất khẩu clinke và xi măng ra nước ngoài tạo nguồn thu ngoại tệ để mua vật tư thiết bị. Hiện nay, theo một số thống kê thì Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước sản xuất xi măng và clanhke nhiều nhất thế giới.

Các sản phẩm xi măng của Việt Nam tương đối đa dạng. Các doanh nghiệp sản xuất xi măng ở nước ta đã sản xuất được hầu hết các chủng loại xi măng poóc lăng phục vụ cho nhu cầu xây dựng trong nước như: Xi măng poóc lăng PC, xi măng poóc lăng hỗn hợp PCB, xi măng xây trát MC, xi măng poóc lăng ít toả nhiệt cho thi công bê tông khối lớn, xi măng poóc lăng bền sun phát, xi măng poóc lăng cho giếng khoan dầu khí, xi măng poóc lăng trắng…

Tuy nhiên, các sản phẩm thông dụng, chiếm thi phần lớn gồm: Xi măng poóc lăng PC50, PC40; xi măng poóc lăng hỗn hợp PCB40, PCB30; xi măng xây trát MC25, MC20.

Các loại xi măng do Việt Nam sản xuất hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn Châu Âu EN, tiêu chuẩn Mỹ ASTM. Các tiêu chuẩn xi măng Việt Nam thường xuyên được cập nhật, bổ sung và có những yêu cầu tương đồng với các tiêu chuẩn xi măng của các nước phát triển.

Về sản lượng, trong những năm qua lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất xi măng có mức tăng trưởng cao. Năm 2010, cả nước đã có 59 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 62,56 triệu tấn xi măng/năm, sản lượng sản xuất xi măng đạt 50,2 triệu tấn; đến năm 2016, cả nước có 80 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 88,46 triệu tấn xi măng/năm, sản lượng sản xuất đạt trên 75,2 triệu tấn (tăng 49,8% so với năm 2010). Dự kiến đến hết năm 2017 cả nước sẽ có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 98,56 triệu tấn/năm.

Về công nghệ, các nhà máy sản xuất xi măng đều đầu tư dây chuyền sản xuất xi măng đồng bộ, tiên tiến, từ khâu chế biến nguyên liệu đến khâu nghiền xi măng trên một dây chuyền công nghệ liên hoàn; đầu tư công suất lớn, công nghệ tiên tiến, tự động hoá cao, có tận dụng nhiệt thải để phát điện và sử dụng nhiên liệu thay thế nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, năng lượng gắn sản xuất xi măng với tái chế, xử lý môi trường.

Về vật liệu ốp lát: Sản lượng sản xuất gạch ốp lát các loại (gạch ceramic, granit, cotto) không ngừng tăng nhanh. Năm 2010 sản lượng sản xuất là 378 triệu m², thì đến năm 2016, sản lượng sản xuất đã tăng lên 540 triệu m² (tăng 50% so với năm 2010), đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 20-25% tổng công suất.

Công nghệ và thiết bị, được đầu tư đồng bộ, tiên tiến từ các nước phát triển như Đức, Italia, Tây Ban Nha; với quy mô mỗi nhà máy lên tới hàng chục triệu m², modul công suất mỗi dây chuyền từ 2 đến 3 triệu m²/năm; cùng với việc đầu tư các thiết bị công nghệ trang trí bề mặt như các loại máy in rulô, in phun, trang trí men khô, công nghệ Ecoprep, công nghệ mài cạnh, công nghệ nano…

Đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm gạch ốp lát với chủng loại đa dạng như gạch ceramic, gạch granit, gạch cotto, gạch mosaic; kích thước lớn (chiều dài có thể đạt tới 1800 mm, chiều rộng 800 mm, chiều dày 3,5 mm, độ cứng đạt 7 theo thang Mohs, độ hút nước dưới 0,1%); sản phẩm mỏng, trọng lượng nhẹ; màu sắc hoa văn phong phú; các sản phẩm giả cổ, giả gỗ, giả đá tự nhiên; các sản phẩm có bề mặt bóng và sần…

Các chuyên gia đánh giá, công nghệ sản xuất vlxd ở Việt Nam thời gian qua đã có những thay đổi rõ rệt, các công nghệ lạc hậu đã và đang được thay thế bằng công nghệ tiên tiến hiện đại trên hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của ngành công nghiệp vlxd, đưa ngành công nghiệp vlxd từng bước hoà nhập vào trình độ chung của khu vực và thế giới.