Duy trì ổn định thị trường vật liệu xây dựng

Tính đến ngày 20-3, tình hình sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) nhìn chung ổn định. Các loại vật liệu chính đều đạt khoảng 25% và tăng so cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng mừng vì thời điểm sau Tết Nguyên đán thường tiêu thụ chậm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tính toán phù hợp và dự báo chính xác để năm 2018, ngành VLXD có bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Giữ đà ổn định

Theo số liệu thống kê của Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 20-3, một số sản phẩm xây dựng cơ bản đều có mức tăng trưởng khá. Theo đó, sản phẩm xi-măng đạt gần 21 triệu tấn, kính xây dựng 79 triệu m2 quy tiêu chuẩn (QTC); gạch ốp lát 192 triệu m2, sứ vệ sinh 3,9 triệu sản phẩm, gạch nung 4,3 triệu viên QTC, gạch không nung 1,81 triệu viên QTC,… đều đạt khoảng 25% so kế hoạch năm. Ðiều đáng lưu ý là các sản phẩm này đều có mức tăng trưởng tốt hơn so cùng kỳ, trong đó nổi bật là xi-măng. Cùng kỳ năm 2017, các doanh nghiệp xi-măng phải đối mặt với nhiều khó khăn: tiêu thụ chậm, tồn kho cao, xuất khẩu gặp vướng mắc do chịu sức ép từ xi-măng Trung Quốc cộng thêm cách tính thuế suất thuế xuất khẩu,… Tuy nhiên, năm nay, tình hình đã thay đổi, nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp ngành xi-măng bớt khó khăn hơn, tạo đà cho tiêu thụ trong ba tháng đầu năm tăng 15%, trong đó xuất khẩu tăng 30% so cùng kỳ, với giá bán ổn định.

Khó khăn hơn cả là vật liệu xây không nung (VLXKN), nhất là bê-tông khí chưng áp và bê-tông bọt do còn gặp một số rào cản và tư duy sử dụng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh vẫn sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ, Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên đã đầu tư thêm dây chuyền 2 sản xuất gạch bê-tông khí chưng áp công suất 150 nghìn m3/năm. Trước đây, 80% sản phẩm của công ty đều dành cho xuất khẩu, nhưng thị trường tiêu thụ trong nước đã dần được cải thiện, cho nên số lượng xuất khẩu đã giảm xuống còn 50% sản lượng. Các đơn vị sản xuất gạch xi-măng cốt liệu còn tỏ ra mạnh dạn hơn trong đầu tư. Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Gạch Khang Minh Ðặng Việt Lê cho biết, hiện nay, công ty có sáu dây chuyền sản xuất gạch xi-măng cốt liệu với tổng công suất 200 triệu viên QTC/năm. Năm 2018 sẽ tiếp tục đầu tư thêm bốn dây chuyền với công suất tương tự, nâng tổng công suất của công ty lên gấp đôi, khoảng 400 triệu viên QTC/năm. “Thị trường gạch không nung hứa hẹn nhiều tiềm năng và vẫn đang rộng mở đối với các nhà đầu tư”, ông Lê phân tích.

Vụ trưởng VLXD Phạm Văn Bắc nhận định, mặc dù một số nguyên, nhiên liệu đầu vào, như: điện, than tăng giá, nhưng các đơn vị kinh doanh VLXD đã có những bước chuẩn bị khá tốt cho nên không có biến động nhiều trên thị trường. Ðây thường là thời điểm tiêu thụ chậm sau nghỉ Tết. Do vậy, các đơn vị tập trung duy tu, bảo dưỡng thiết bị, cơ cấu lại công tác bán hàng, sẵn sàng cho bước tiêu thụ tăng mạnh trong các tháng tiếp theo. Ðồng thời cũng cần lưu ý một số vấn đề về tăng đột biến một số vật liệu cơ bản như cát xây dựng trong thời gian qua. Xét về tổng thể, tình hình kinh doanh VLXD khả quan, thậm chí một số vật liệu mới, thân thiện môi trường, như kính tiết kiệm năng lượng Low-E hay kính để sản xuất pin mặt trời sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Các giải pháp linh hoạt

Các đơn vị sản xuất VLXD đã và đang thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt phù hợp thực tế sức tiêu thụ trên thị trường. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) Bùi Hồng Minh, đơn vị đã tập trung điều tiết sản xuất, nâng cao chất lượng công tác bán hàng nhằm ổn định kinh doanh, tránh tồn kho cao. Thời điểm tháng 9-2017, lượng tồn kho của Vicem lên đến gần ba triệu tấn, tương đương 45 ngày sản xuất, trong khi lượng tồn kho lý tưởng là 20 đến 25 ngày sản xuất. Các công tác này được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Tổng công ty thực hiện cân đối năng lực sản xuất, thị trường, các thương hiệu lớn để điều phối, phân bổ lượng xi-măng trong cả nước, phát huy thương hiệu mạnh dẫn đầu thị trường, tối ưu hóa về vận chuyển, lưu kho. Ðồng thời, chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, sáng kiến, nhằm giảm mức tiêu thụ than thêm 60 đến 100 nghìn đồng/tấn sản phẩm, chủ động duy tu, bảo dưỡng, sẵn sàng chạy lò liên tục dài ngày nhằm tối ưu hóa sản xuất…

Theo Hội VLXD Việt Nam, đối với VLXKN, trên góc độ quản lý tồn tại nhiều vướng mắc gây chậm chễ trong thực hiện. Trong đó, thiếu một số hướng dẫn trong cơ chế chính sách, dẫn đến thực tế triển khai gặp khó, đơn cử như vay vốn ưu đãi đầu tư; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật cần thiết; phát triển công trình xanh, thân thiện môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt chưa phát huy tác dụng. Vụ trưởng VLXD Phạm Văn Bắc cho rằng, đến nay đã loại bỏ dần các rào cản trong phát triển VLXKN. Thực tế cho thấy sau sáu năm thực hiện chương trình phát triển VLXKN, nhiều chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch đã hoàn thành: sản xuất đạt khoảng bảy tỷ viên QTC/năm, chiếm 24% tổng sản lượng vật liệu xây, sử dụng bắt đầu đi vào nền nếp. Song song với việc thực hiện Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ tập trung tuyên truyền, đôn đốc và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện Cơ chế xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất điện, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 452/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ðồng thời, tiếp tục cùng các địa phương đẩy mạnh xóa bỏ các lò gạch thủ công, ô nhiễm môi trường…

Ðể tiếp tục đà tăng trưởng cho ngành VLXD, công tác quy hoạch cần được siết chặt và nâng cao chất lượng công tác dự báo. Ðơn cử như việc giá cát xây dựng tăng đột biến vừa qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường VLXD khi nhiều công trình tạm hoãn, dừng. Ðến nay, tình hình giá cát hay một số loại VLXD đã dần ổn định và khó có khả năng xảy ra đột biến. Tuy nhiên các bên cũng không thể chủ quan, lơ là. “Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để quản lý nhà nước về lĩnh vực VLXD hiệu quả hơn, trong đó rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương”, Vụ trưởng Phạm Văn Bắc nhận định.