Lối thoát cho phế thải công trình xây dựng

Phế thải từ phá dỡ công trình xây dựng là nguồn xả chất thải rắn đô thị không nhỏ. Cho đến thời điểm này, phần lớn rác thải xây dựng được thu gom tại các điểm đổ tập trung trước khi chuyển về các bãi rác chôn lấp theo quy hoạch,  mới có một phần nhỏ được dùng cho san lấp mặt bằng; và trên thực tế không ít rác thải xây dựng được đổ bừa bãi tại các ao hồ, kênh mương, nơi cộng cộng, thậm chí cả ven bờ sông Hồng. Với mong muốn tận dụng nguồn phế thải này, các Thạc sỹ Lê Việt Hùng, Vũ Hải Nam kỹ sư Vũ Hồng Phong đã nghiên cứu, đề xuất việc tái chế phế thải xây dựng làm cốt liệu bê tông và vữa xây dựng.

Ước tính mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn rác thải xây dựng thành phố Hà Nội và 2.000 tấn rác thải xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh được chôn lấp. Lượng rác thải xây dựng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì theo nghị quyết của Chính phủ đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc phá dỡ, cải tạo các khu trung cư cũ nát tại các đô thị lớn. Như vậy, Hà Nội sẽ phải phá dỡ khoảng 23 khu chung cư 4-5 tầng với gần 1 triệu mét vuông sàn và thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải phá dỡ ít nhất 70 khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng (trong tổng số 155 khu chung cư cần cải tạo) để xây dựng mới. Nếu không tìm cách tái chế, tái xử dụng, nguồn thải này sẽ trở thành gánh nặng đối với các đô thị. Điều này không đơn giản, vì đến nay, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa hề có một trung tâm tái chế chất thải xây dựng.

Trên thế giới có nhiều nước quan tâm tới tái sử dụng phế thải bê tông làm cốt liệu sản xuất bê tông xi măng để làm cấu kiện bê tông xây dựng lòng, lề đường, rãnh, cống thoát nước, gạch lát vỉa hè và tái sử dụng phế thải xây dựng làm vật liệu lớp nền, lớp lót khi làm đường giao thông. Trong khi đó, kết cấu gạch mới là thành phần lớn nhất trong chất thải xây dựng. Nghiên cứu tăng khả năng tái chế loại chất thải này đang là mối quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện 4 chương trình thí nghiệm để đánh giá cốt liệu tái chế lấy từ các nguồn phá dỡ công trình khác nhau tại thành phố Hà Nội; đánh giá ảnh hưởng của cốt liệu tái chế sử dụng trong 28 mẫu cấp phối bê tông, 9 mẫu gạch bê tông lát nền và 6 loại cấp phối vữa xây dựng.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, có thể tạo ra 3 loại cốt liệu tái chế cơ bản từ bê tông, từ hỗn hợp chất thải xây dựng và hỗn hợp cốt liệu tự nhiên với cốt liệu tái chế. Có thể sử dụng cốt liệu tái chế lớn từ hỗn hợp chất thải xây dựng và từ bê tông để sản xuất bê tông đến mác 250 và 300 tương ứng; hỗn hợp cốt liệu tự nhiên và tái chế có thể sử dụng cho mác bê tông cao hơn. Cốt liệu tái chế thích hợp cho sản xuất gạch blốc bê tông và vữa xây dựng. Khi sử dụng 100% cốt liệu tái chế, cường độ gạch blốc giảm khoảng từ 12-25%, cường độ vữa giảm từ 5-10%. Nếu so với việc sử dụng cốt liệu tự nhiên, khi sử dụng cốt liệu tái chế tạo ra cùng một mác bê tông, cần tăng thêm lượng xi măng tương ứng.

Với hy vọng đưa công nghệ sử dụng cốt vật liệu tái chế chất thải xây dựng từ thí nghiệm ra thực tế, các chuyên gia đã đưa ra các thông số phân loại, yêu cầu kỹ thật, đề xuất phương pháp đánh giá và hướng dẫn sử dụng cốt liệu tái chế cho sản xuất bê tông và vữa xây dựng. Các chuyên gia cho rằng, từ các mô hình thí nghiệm này có thể xây dựng thành các trung tâm tái chế chất thải xây dựng cố định, bán cố định hoặc dây truyền di động đặt tại công trường. Bởi chỉ cần sử dụng phương pháp nghiền sàng thông thường hoàn toàn có thể thu được từ 60-80% cốt liệu từ chất thải xây dựng. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc sản xuất bê tông và vữa xây dựng, mà còn giảm thiểu phần lớn nguồn thải khó xử lý này tại các đô thị.
Theo TN&MT