Công trình nhà thi đấu đa năng của trường THCS thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình được xây mới bằng vốn ngân sách Nhà nước với kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Trong giai đoạn hoàn thiện, nghiệm thu kỹ thuật thì xuất hiện nhiều vết nứt ngang, vết nứt chân chim không rõ nguyên nhân, khiến dư luận đặt ra nhiều giả thuyết.
Nứt, vá 20% khối lượng công trình
Từ thông tin ban đầu và ghi nhận tại hiện trường dự án Nhà thi đấu đa năng tại huyện Quảng Ninh, phóng viên nhận thấy trên các bức tường, cột trụ của công trình này xuất hiện nhiều vết nứt, có phương thẳng đứng và xiên tường, dài vài chục cm. Tại các cửa sổ xuất hiện ít nhất một vết, có nơi tới vài vết. Nhà thầu xây dựng là Cty TNHH Xây dựng tổng hợp Thắng Đạt (có trụ sở tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã cho nhân công sửa chữa các vết nứt bằng cách đục và sơn trám lại bằng chất phụ gia kết dính xika.
“Các vết nứt này xuất hiện sau khi xây dựng tường khoảng một tháng, chúng tôi phải xử lý trước khi nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng”, một công nhân tại đây cho hay.
Một số hộ dân liền kề chia sẻ: “Tranh thủ thời tiết nắng ráo, đơn vị thi công đã tiến hành đục phần gạch không nung bị nứt ra và dùng các phụ gia xử lý, trám lại. Tuy nhìn lúc ấy thì hơi mất thẩm mỹ nhưng được đơn vị thi công cho hay sẽ xử lý tận gốc phần nứt này”.
Không chỉ phía nhà thầu mà phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển Quỹ đất huyện Quảng Ninh (Ban Quản lý dự án) cũng rất lo lắng về vấn đề nảy sinh này. Ông Phùng Trung Kiên – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cho biết: “Công trình có diện tích xây dựng khoảng 870m2, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Bình, do UBND huyện Quảng Ninh làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án làm bên mời thầu và quản lý dự án. Ngay từ khi khởi động dự án, chúng tôi đã tính đến các rủi ro có thể xảy ra trong khi thi công. Nhưng việc xuất hiện nhiều vết nứt tại các bức tường xây bằng gạch không nung trước khi công trình hoàn thiện, để nghiệm thu kỹ thuật không rõ nguyên do, tạo ra áp lực và sức ép cho cán bộ và nhân viên của Ban Quản lý dự án. Từ đó xuất hiện nhiều thông tin gây nhiễu như việc giám sát sơ sài, rút ruột công trình, sử dụng vật liệu kém chất lượng.
Trong vấn đề này, nhìn nhận khách quan thì với công tác thi công ở điều kiện bình thường, vật liệu xây là gạch không nung xuất hiện nhiều vết nứt, rạn hơn là gạch đất sét nung. Qua kiểm tra hiện trường, ghi nhận có đến 20% khối lượng công trình bị ảnh hưởng bởi các vết nứt chân chim, nứt ngang xiên tường. Tuy không ảnh hưởng đến chất lượng, kết cấu chịu lực nhưng gây nên việc mất thẩm mỹ và tâm lý đối với người bắt gặp. Phía Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị thi công xử lý các vết nứt này, để hoàn thiện công trình, trước khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, bàn giao công trình, chứ nếu làm ẩu, ký bừa thì chúng tôi đã không cho thợ sửa chữa”.
Khi được đề nghị đánh giá ưu điểm và tình hình sử dụng vật liệu xây không nung ở địa phương những năm gần đây, ông Phùng Trung Kiên thẳng thắn chia sẻ: “Việc phát triển vật liệu xây không nung là chủ trương lớn và đúng đắn của Chính phủ, tại địa phương cũng đang đẩy mạnh việc này. Các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước đều ưu tiên sử dụng loại vật liệu này. Ưu điểm thì dễ nhận thấy như đây là gạch bê-tông, độ cứng cao, không phải tiêu hao đất sét và chất đốt; tuy đó, số công trình sử dụng viên xây là gạch không nung ít nhiều đều bị nứt ngang, nứt chân chim tại các vị trí dầm, trụ, giằng, cửa. Việc này chưa xác định được nguyên nhân, nhưng dễ thấy được đây là nhược điểm và tần suất xuất hiện cao hơn gạch nung. Ngay cả nhà kho của Ban Quản lý dự án, xây bằng vật liệu không nung cũng bị nứt, mặc dù không chịu tải mà chỉ gánh khối lượng tự trọng của bản thân”.
Cần xem lại sự đồng nhất của gạch không nung
Đem thông tin phản ánh về việc công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung bị nứt chân chim, nứt xiên tường trao đổi với nhà quản lý chuyên trách, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết: “Sự việc này đơn vị đã nhận được phản ánh, chúng tôi đã giao cho phòng chức năng sớm kiểm tra hiện trạng dự án, để đưa ra kết luận cụ thể lý do gây nên là vật liệu xây hay phương pháp thi công”.
Cùng đó, ông Trần Quyết Thắng – Giám đốc Cty TNHH Xây dựng tổng hợp Thắng Đạt nhận định: “Từ nắm bắt, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp khi xảy ra sự cố nứt tại các bức tường, mảng xây lớn, nhận thấy việc này thường xuất hiện ở các công trình dùng gạch không nung với tần suất và thời gian xuất hiện không xác định. Các tỉnh lân cận như: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam… cũng đã xuất hiện ở mức độ trầm trọng, không thể nghiệm thu bàn giao. Tại Quảng Bình, đa số các địa phương đều xuất hiện ở các mức độ khác nhau. Việc thi công một công trình có ý nghĩa chính trị – xã hội quan trọng như nhà thi đấu đa năng này, Cty chúng tôi đã rất cẩn thận. Từ đó, việc nứt tại công trình gây ra nhiều hoài nghi với đơn vị thi công và Ban Quản lý dự án”.
“Chúng tôi xin đề nghị ngành chức năng cần xem lại tính chất, sự đồng nhất của vật liệu xây không nung. Tăng cường kiểm định chất lượng gạch tại các cơ sở sản xuất để chúng tôi mạnh dạn khi thi công vật liệu này, ứng dụng được vào nhiều công trình. Loại gạch không nung được sử dụng tại công trình này đa phần được sản xuất bằng công nghệ ép tĩnh tại Cty TNHH Thương mại đầu tư Somi”, ông Thắng cho biết thêm.
Qua phản ánh của các nhà thầu, đơn vị thi công và khảo sát thực tế, hiện tượng nứt tường sau khi trát của tường sử dụng gạch không nung nhiều hơn gạch nung. Vết nứt chủ yếu xuất hiện trong giai đoạn hoàn thiện công trình, theo mạch xây. Tường bao quanh một số công trình có hiện tượng ẩm mốc, thấm nước mưa.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.