Ngành Xi măng: Những nút thắt cần tháo gỡ triệt để

Chỉ có quy hoạch lại ngành xi măng, khắc phục các DN thua lỗ, nâng cao năng suất lao động, áp dụng công nghệ mới, tăng thị trường xuất khẩu mới giúp cân đối nguồn cung-cầu, giúp các DN xi măng phát triển ổn định.

Lượng tiêu thụ xi măng thời gian qua vẫn đạt kết quả khả quan cả trong nước lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên do lượng cung quá nhiều dẫn đến lượng tồn kho cũng không hề nhỏ. Có một nghịch lý đang xảy ra đối với ngành xi măng hiện nay là mặc dù dư cung nhưng các dự án, dây chuyền sản xuất xi măng mới vẫn đang liên tục xuất hiện. Điều này dẫn đến tăng áp lực cạnh tranh khiến không ít các nhà máy không đủ năng lực thua lỗ.

Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tiêu thụ xi măng nội địa và xuất khẩu trong tháng 8/2018 ước đạt 7,66 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 5,65 triệu tấn và xuất khẩu đạt khoảng 2,01 triệu tấn. Lũy kế 8 tháng, tổng lượng tiêu thụ xi măng đạt khoảng 63,85 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ và đạt gần 76% kế hoạch năm; trong đó tiêu thụ nội địa ước đạt khoảng 43,76 triệu tấn và xuất khẩu 20,09 triệu tấn, vượt so với mục tiêu kế hoạch xuất khẩu từ 18 – 19 triệu tấn trong năm 2018.

Tương tự, báo cáo của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng cho thấy, tiêu thụ xi măng của Tập đoàn này trong thời gian qua có nhiều khởi sắc. Tổng sản phẩm tiêu thụ clinker và xi măng trong tháng 8/2018 đạt 2,574 triệu tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ (trong đó xuất khẩu đạt 2,065 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ). Lũy kế tổng sản phẩm tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2018 đạt 18,88 triệu tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, những con số kể trên chưa thấm vào đâu so với năng lực sản xuất xi măng hiện nay. Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, hiện cả nước có 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, phương pháp khô, với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn xi măng theo cách tính 80% clinker + 20% phụ gia.

Song thực tế, năng lực sản xuất của các nhà máy xi măng có thể đạt 113 triệu tấn xi măng với 70% clinker + 30% phụ gia (tỷ lệ các nhà máy đang thực hiện). Con số này vượt xa nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước. Theo đó, năm 2015, tiêu thụ nội địa đạt 55,3 triệu tấn; năm 2016 là 59,3 triệu tấn; năm 2017 là 60,27 triệu tấn. Dự báo trong năm nay, tiêu thụ nội địa sẽ vào khoảng 65 triệu tấn.

Theo các chuyên gia, tình trạng này đã góp phần gây ra thua lỗ dẫn tới nguy cơ phá sản ở không ít DN. Trong vài năm trở lại đây, một số cái tên như như Xi măng Hạ Long, Sông Thao, Đồng Bành, Công Thanh… rơi vào cảnh thua lỗ trầm trọng, buộc các cơ quan chức năng phải đưa ra các giải pháp giải cứu.

Việc Vicem ra tay giải cứu CTCP Xi măng Hạ Long (tiếp nhận từ Tổng Công ty Sông Đà vào tháng 3/2016) và CTCP Xi măng Sông Thao (nhận lại từ Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị vào tháng 6/2017) được xem như điển hình. Nhà máy Xi măng Sông Thao đi vào hoạt động từ cuối năm 2009 nhưng sau 3 năm hoạt động, đã ghi lỗ hơn 306 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2012, riêng khoản nợ trong nước của nhà máy đã là hơn 641 tỷ đồng. Cùng chung số phận, nhà máy Xi măng Hạ Long do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 6.468 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2010. Sau 2 năm hoạt động, số lỗ lũy kế của nhà máy này lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Theo đại diện Vicem, lý do là vì thị trường BĐS khó khăn, nhà máy chưa chạy hết công suất thiết kế, sản phẩm có tính cạnh tranh yếu dẫn đến sản lượng tiêu thụ thấp. Trong khi đó gánh nặng tài chính cao dẫn đến thua lỗ kéo dài.

Đứng trước nguy cơ đổ vỡ đó, Vicem đứng ra tiếp nhận và thực hiện tái cơ cấu 2 đơn vị này. Đến nay theo thông tin từ Vicem, tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của hai đơn vị đã có sự chuyển biến tích cực và bắt đầu kinh doanh có lãi.

Hiện tại, Vicem dự kiến lợi nhuận trước thuế của Xi măng Hạ Long năm 2018 đạt 130 tỷ đồng (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ). Xi măng Hạ Long đã lần đầu tiên tự cân đối để trả nợ gốc và lãi các khoản vay nước ngoài là 853 tỷ đồng.

Tương tự, Xi măng Sông Thao cũng đã trả được 96,8 tỷ đồng cho Quỹ tích lũy trả nợ thuộc Bộ Tài chính. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 đạt 0,56 tỷ đồng và dự kiến năm 2018 đạt 30 tỷ đồng.

Mới đây nhất là Công ty Xi măng Quang Sơn, có tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng đang rơi vào khủng hoảng thua lỗ. Tại thời điểm 31/12/2017, Xi măng Quang Sơn lỗ luỹ kế khoảng 1.392 tỷ đồng, tổng nợ khoảng 3.637,81 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ, nguy cơ phá sản. Bộ Công thương có văn bản đề xuất đưa về Vicem nhưng đến nay phương án này rất khó khả thi và khả năng phá sản của Công ty Xi măng Quang Sơn là rất lớn.

Để xử lý hiện trạng này của không ít nhà máy xi măng, theo các chuyên gia, giải pháp trước mắt cần thực hiện tái cơ cấu lại các DN đang làm ăn thua lỗ. Đồng thời, VNCA cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng mới từ nay đến năm 2025. Chỉ có quy hoạch lại ngành xi măng, khắc phục các DN thua lỗ, nâng cao năng suất lao động, áp dụng công nghệ mới, tăng thị trường xuất khẩu mới giúp cân đối nguồn cung-cầu, giúp các DN xi măng phát triển ổn định.