Theo Sở Xây dựng Sơn La, tính đến hết 31/8/2017, địa bàn chỉ còn 6 lò gạch đất sét nung thủ công tại TP Sơn La và 3 huyện: Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng vật liệu xây không nung trong các cong trình xây dựng vẫn dạt rất thấp.
4/12 địa phương chưa đạt kế hoạch
Trước đó, tính đến hết năm 2013, địa bàn có 110 lò gạch nung thủ công, tính riêng địa bàn Sông Mã có khoảng 50 lò, Yên Châu 14 lò, 3 địa bàn: TP Sơn La, Mai Sơn và Thuận Châu đều có 9 lò.
Sau 3 năm, tính đến 31/12/2016, số lò gạch nung trên địa bàn giảm xuống còn 29 lò, với tổng công suất gần 17 triệu tấn/năm. Và đến nay, số lò gạch nung thủ công giảm xuống còn 6 lò, sản lượng hơn 4,5 triệu viên/năm.
Mặc dù, so với kế hoạch, lộ trình xóa bỏ lò gạch đất sét nung thủ công của UBND tỉnh Sơn La tại văn bản số 119/KH-UBND ban hành ngày 31/12/2013 về việc thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ gạch đất sét nung thủ công, hiện vẫn còn 4/12 địa phương chưa đạt được đúng lộ trình đề ra. Đây là con số đáng khích lệ đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa. Kết quả này có được bền vững phụ thuộc rất lớn vào việc triển khai đầu tư sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung.
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Văn bản 119, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều đơn vị đầu tư, sản xuất gạch không nung, với các sản phẩm như: Gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông bọt, gạch lát vỉa hè, gạch tự chèn, gạch ốp lát, đá ốp lát. Ngoài ra, có nhiều hộ gia đình sản xuất quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, chủ yếu sản xuất gạch bê tông cốt liệu hạt lớn từ đá mạt và xi măng.
Tính đến 31/8, toàn tỉnh có khoảng 14 tổ chức, doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với tổng sản lượng hơn 16 triệu viên. So với năm 2016, con số này là hơn 24 triệu viên, giảm đáng kể chỉ sau 1 năm. Nhiều đơn vị đã dừng sản xuất như: Cty TNHH Đầu tư xây dựng Hồng Long, Doanh nghiệp tư nhân Hoa Hải Hưng. Còn lại đa số doanh nghiệp đều giảm sản lượng sản xuất.
Theo Sở Xây dựng Sơn La, thời điểm năm 2012 – 2013 cũng có một số cơ sở sản xuất gạch không nung như: Cty CP Xây dựng I Sơn La sản xuất gạch tự chèn, gạch lát vỉa hè, gạch terrazo; Doanh nghiệp tư nhân Hoa Hải Hưng huyện Mộc Châu, Cty TNHH ĐTXD Hồng Long huyện Phù Yên sản xuất gạch không nung từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông bọt, các sản phẩm gạch với kích thước đa dạng, trọng lượng nhẹ. Tuy nhiên, do sự hạn chế của thị trường tiêu thụ nên nhiều đơn vị đã dừng sản xuất từ năm 2013 đến nay.
Tỷ trọng sử dụng gạch không nung đạt thấp
Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng các công trình vốn ngân sách nhà nước sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh Sơn La chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, đạt khoảng 5-7% so với tổng diện tích khối xây. Chỉ có huyện Vân Hồ là có số công trình sử dụng vật liệu xây không nung chiếm tỷ lệ cao, các công trình trường học cấp III huyện Vân Hồ, Trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Vân Hồ đạt khoảng 80%.
Ngoài ra, một số công trình có tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung đạt 100% như: Công trình Khu di tích lịch sử Quốc gia Việt Nam – Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài huyện Yên Châu, công trình nhà 2 tầng UBND TP Sơn La.
Được biết, Sở Xây dựng Sơn La có kế hoạch xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh trước khi kết thúc năm 2017. Kế hoạch này có khả thi hay không phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm chính trị và năng lực của UBND tỉnh cùng các Sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Giải pháp trước mắt, tại các huyện, TP có nhà máy gạch không nung với sản phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam, có Giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, các công trình vốn nhà nước phải sử dụng 100% sản phẩm của các nhà máy này. Các Sở, ngành cùng phối hợp với địa phương và đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ quá trình triển khai xây dựng công trình, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình, đồng thời kiên quyết không nghiệm thu công trình nếu tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung không đạt yêu cầu đề ra.